Lê Luân: NHỮNG ĐIỀU DÂN KHÔNG BIẾT


NHỮNG ĐIỀU DÂN KHÔNG BIẾT

Khi nghe ông đại biểu quốc hội kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cao Đức Phát, phát biểu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm một cách điềm nhiên trước dân chúng ngày 01.04.2016, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều và đến giờ tôi mới được biết một thứ, đó là "người dân không được biết".


Phải. Một sự khẳng định quá giá trị mà đáng ra cần và phải được nói rõ từ lâu chứ không phải đợi cho đến bây giờ mới cất tiếng.

Bởi, đã đến lúc quá nguy cấp người ta mới cho người dân được biết, rằng, vì họ không biết, nên chớ đừng vội vàng cạn nghĩ mọi thứ là sự thật, mà đó chỉ là những điều hoang báo và vô căn cứ mà thôi. Còn lại, thực phẩm vẫn an toàn.

Đến đây, có ai tự đặt câu hỏi, rằng, người dân không biết, không được biết hay không thể biết? Có thể cả ba thứ đó cùng gom vào trong cùng một trạng thái phủ nhận?

Đúng. Làm sao dân có thể biết những thứ cao siêu, những thủ tục phức tạp để kiểm định, làm sao có thể biết độc chất hóa học nó hình thù, tác hại ra sao, vì các quan nhà mình vẫn nói rằng, vẫn chê dân trí thấp mỗi khi muốn ngăn cản ban hành chính sách nào đó. Mà đó là lý do lớn nhất để trở thành sự ngăn cản tốt nhất cho việc tồn tại một chính sách nào đó.

Là vậy. Người dân, làm sao biết được những thứ mà nó không thuộc tầm hiểu biết của mình, người dân cũng làm sao đủ quyền năng để có thể biết được nó đúng sai ra sao. Vì có đem chai nước có cặn đến hội bảo vệ người tiêu dùng thì họ lại đòi hỏi hóa đơn mới xem xét cho dân. Nếu có mua phải con gà, cân thịt trâu dù khá tươi ngon với dấu đỏ chót đã kiểm dịch nhưng về nhà lại thấy rỉ nước vàng hay đám sán bên trong.

Người dân làm sao biết được nó độc hại hay không, ngoại trừ khi nó đã tích kết thành khối u mà biến đổi thành căn bệnh ung thư thì người ta mới tá hỏa biết do đâu. Trần Lập cũng vừa ra đi vì thế.

Người dân làm sao biết được nó độc hại ra sao, khi hoàn toàn tin tưởng vào sự quản lý của nhà nước, của cơ quan chức năng, mà như một ông nghị sỹ nào đó còn phát biểu, dân ăn mà không lăn ra chết ngay thì chưa xử lý được.

Đúng thế. Người ta phải đánh đổi mạng sống, phải dùng sinh mệnh mà kiểm chứng nó độc hại ra sao, và phải chết ngay tại chỗ người ta mới biết rằng nó thực sự nghiêm trọng và nguy hiểm chừng nào. Nếu không, nó vẫn bình thường như chính câu phát biểu rất đỗi nhẹ nhàng của ông Cục trưởng cục BVTV đã rất hùng hồn tuyên bố "thực phẩm nhiễm độc của Trung Quốc vẫn an toàn".

Thật khủng khiếp với sự an toàn mà họ thông cáo. Và chỉ có người dân không biết là chịu thiệt thòi, vì người ta dù ăn vào nhưng không chết ngay lúc ấy, không lăn quay mà cũng chẳng dễ dàng ngộ độc đến nhập viện tức thì như hàng nghìn công nhân ở Hải Phòng xảy ra năm trước trong một nhà máy sản xuất.

Dân không biết. Nên chẳng khi nào được hỏi han, được lấy ý kiến, mà các cơ quan cứ thế vẽ lên bao nhiêu số liệu, báo cáo vẫn tuyệt vời, vẫn ổn, cũng như ông Tổng thanh tra chính phủ ung dung, dõng dạc "tình hình tham nhũng ổn định 3 năm qua".

Dân không biết, nhưng dân có tin không?

Rồi lại chuyện dân không biết, mà chính xác hơn là không thể biết, đó là cái chỉ thị 15 của Đảng CSVN mà ông tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM - mới đây phải đau xót thừa nhận trong sự bất lực của công cuộc chống tham nhũng mà thành vấn nạn số một của đất nước, đang tàn phá nền kinh tế, đẩy dân tộc vào cảnh nợ nần, khủng hoảng từ niềm tin đến giá trị xã hội.

Dân không biết. Đúng. Vì dân có khi nào được kiểm soát ngân sách do chính mình đóng thuế đâu. Vì không minh bạch, dân không biết, nên mới để xảy ra tình trạng chuột với sâu nhiều nhung nhúc, nhưng trớ trêu thay lại không thể bắt nổi được con nào, và đáng giá. Và rồi người ta, cứ hết ngành này, ban nọ, thi nhau hứa không tham nhũng, cùng nhau cam kết không nhận quà ngày lễ, tết, hiếu, hỷ. Nhưng nào ai biết thực hư ra sao ngoài những báo cáo rằng "năm nay không ai biếu quà sai quy trình" hay "Hà Nội và TP.HCM không phát hiện thấy tham nhũng". Nhưng chỉ đến khi nợ ngập đầu, mỗi người dân trên mảnh đất này gánh trên đầu con số 26 triệu đồng, dù đứa trẻ đỏ hỏn mới sinh hay ông già sắp chết chưa kịp trả nợ cho thôn, xã mấy trăm nghìn, thì người ta mới hoa mắt với con số tưởng như vô hại mà lại rất thực ấy.

Đúng. Vì dân không biết và cũng vì không thể biết. Bởi ngay cả ngành Công an, cái ngành trấn áp tội phạm, gìn giữ an ninh mà còn không được trinh sát chính đảng viên trong tổ chức của mình. Thì dân lấy gì mà làm, mà biết?

Và cũng chỉ đến lúc hàng chục triệu người dân ở vùng miền Tây, miền Trung Nam Bộ lâm vào cảnh hạn hán trầm trọng, mùa màng thất bát, không có nước sinh hoạt, đất bị xâm lấn ngập mặn, thì người dân mới bàng hoàng và choáng váng biết đến một bản báo cáo của một ai đó và từ trước đó về "việc Trung Quốc xây các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông hầu hết không ảnh hưởng gì đến ta".

Chỉ đến lúc hậu quả đổ sập và giáng xuống đầu nhân dân thì người dân mới được biết, một cách thấm thía nhất, nó tồn tại ngay mình, thậm chí trong mình đau đớn.

Vì người dân không biết, nên người dân không thể phản kháng, cũng chẳng đủ hiểu biết mà cứ ngu ngơ thừa hưởng những thứ được vẽ ra đẹp đẽ và bình thản, chẳng có gì cần hay phải lo lắng cả.

Chúng ta an toàn, nên người dân đừng nghĩ ngược lại.

Nhưng làm sao để thuyết phục người dân bớt hoảng sợ mà cảm thấy an toàn thật sự sau vụ nổ bom hãi hùng bất chợt tại Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội trong một chiều yên bình khủng khiếp?

Làm sao mà người dân có thể chẳng lo lắng gì khi đang đi trên đường mà cứ sợ hãi rồi chẳng may có vài chiếc xe điên nào đó cán qua chết tức tưởi mà không kịp đem quà sinh nhật cho đứa con đầu lòng hay cho một năm ngày cưới của mình?

Làm sao để cho người dân thấy được sự an toàn, khi mà lướt xe đi trên phố cứ nơm nớp có chiếc cẩu tháp sẽ rơi xuống trúng đầu bẹp rúm, nát bươm thân thể mà chẳng còn ai nhận ra hình dạng?

Làm sao người dân thấy an tâm cho được khi hôm nay cháy lớn ở Đồng Nai, ngày mai cháy rụi ở Vĩnh Phúc, rồi ngày mốt lại ngùn ngụt khói ở Việt Trì, Phú Thọ?

Làm sao người dân an tâm khi đi vào bệnh viện có được mổ ngay hay không hay phải đau đớn cưa đi đôi chân của mình, quái ác hơn là nằm đợi ròng rã trong cơn quằn quặn đến cả chục ngày rồi lịm đi mà chết trong sự vô tâm và tĩnh lặng.

Đúng. Đúng là vậy. Vì họ không biết các ông làm ăn ra sao, quản lý thế nào nên họ mới đâm ra lo lắng và bất an đến nhường ấy, mà rồi ngày nào cũng phải nghe những lời trấn an rất đỗi nhẹ nhàng và có phần ngây thơ của các vị nữa.

Vì, nếu người dân họ biết, dân trí họ không thấp, thì chắc chắn rằng, họ đã phế truất các ông, không trao quyền và cũng chẳng để những con người vô trách nhiệm đến nhẫn tâm bỏ mặc sự an nguy của họ một cách lặng lẽ vào trong những câu từ hoa mỹ ấy. 

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »