GIA PHẢ - THẦN PHẢ - NGỌC PHẢ
một nguồn tài liệu lịch sử cần sưu tầm và khai thác
Văn Tân
Các gia phả, thần phả không những còn nhiều mà còn chứa đựng nhiều tài liệu sử học, văn hoá dân gian có giá trị nữa. Đây là một kết luận mà tôi rút ra sau khi đi nghiên cứu thực địa, điền dã nhiều năm ở tỉnh Hoà Bình cũ, ở Thạch Thất, Ba Vì,…
Tháng 3 năm 1977, tôi cùng các đồng chí Đinh Văn Nhật, Lê Văn Lan và nhiều đồng chí khác đi tìm di tích về Hai Bà Trưng ở một miền thượng huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình cũ, sau đó chúng tôi theo đường 21 rẽ về phía tay phải đến một xã gọi là xã Hạ Hằng. Đến Hạ Hằng, chúng tôi mới biết rằng xã này do Hạ Lôi và Hằng Trù hợp nhất lại.
Năm 1977 và năm 1978, chúng tôi đến xã Hạ Hằng nhiều lần nữa. Các cụ phụ lão trong xã cho chúng tôi biết nhiều về sự tích Hai Bà Trưng, mà theo các cụ thì quê quán là làng Hạ Lôi (Thạc Thất). Quan trọng hơn cả là cụ Bá Thư lại cho tôi mượn bản Thừa sao sự tích thần và đình quán. Tài liệu này cho biết vị thần mà làng Hạ Lôi thờ là Hai Bà Trưng, từ Hạ Lôi, Hai Bà Trưng đã hoạt động khởi nghĩa, và khi khởi nghĩa, Hai Bà đưa quân ra Hát Môn làm tế lễ cờ…
Năm 1978, chúng tôi còn đi nghiên cứu các làng xã ở xung quanh xã Hạ Hằng, và thấy rằng các làng đó cũng thờ Hai Bà hoặc tướng lĩnh của Hai Bà.
Những tài liệu về Hai Bà Trưng mà chúng tôi thu thập được trong công tác nghiên cứu thực địa, điền dã ở Hạ Hằng và các xã lân cận đã cho phép chúng tôi đặt giả thiết rằng: quê quán Hai Bà Trưng là làng Hạ Lôi ở bên này sông Hồng, chứ không phải là làng Hạ Lôi ở Yên Lãng bên kia sông Hồng.
Trong hội nghị khoa học về Hai Bà Trưng do Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội tổ chức ngày 3 tháng 3 năm 1982 tại đền Đồng Nhân, và cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã nổ ra ở bên này sông Hồng…
Tháng 9 năm 1977, trong dịp lên thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, thăm đền thờ Lê Anh Tuấn, một nhà tri thức có tên tuổi hồi giữa thế kỉ XVIII, chúng tôi có dịp được xem cuốn gia phả của họ Lê; chúng tôi thấy Lê Anh Tuấn là một nhân vật có văn tài xuất chúng, đã từng đi sứ nhà Thanh. Tại Bắc Kinh, ông đã yêu cầu vua Thanh bỏ lễ cống ngà voi. Đề nghị của Lê Anh Tuấn đã được vua Thanh chấp nhận.
Ngày 23 và 24 tháng 7 năm 1983, chúng tôi lên xã Cổ Đô với mục đích thanh những dấu vết của thành Đa Bang mà Hồ Quý Ly đã tốn công xây dựng đầu thế kỉ XV. Vào thăm gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Vân, con cháu dòng đích Nguyễn Bá Lân tại Cổ Đô, tôi có may mắn được đọc Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông là Nguyễn Bá Uông viết.
Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả không viết theo lối miêu thuật thế thứ như ta thường thấy ở các gia phả, mà viết theo lối hồi ký của các nhân vật lớn trong lịch sử, cho nên nó hấp dẫn người đọc.
Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả chứa đựng nhiều tài liệu lịch sử, mà nhiều người chưa biết đến.
Theo Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả thì Lý Trần Quán, mà người đương thời gọi là Nghè Canh, là học trò của Nguyễn Bá Lân. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất, Lý Trần Quán làm Hiệp trấn Sơn Tây, lúc bấy giờ là miền đất gồm có tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Sơn Tây cũ và tỉnh Hà Đông cũ sau này, Năm 1785, khi Nguyễn Bá Lân chết, chính Đoan Nam Vương Trịnh Khải đã cử Lý Trần Quán thay mặt chúa đến tế miếu Nguyễn Bá Lân đã tiến cử Bùi Huy Bích lên chua Trịnh Sâm, và Bùi Huy Bích được Trịnh Sâm trọng dụng làm đến chức Tham tụng phủ chúa Trịnh. Lê Quý đôn là thông gia với Nguyễn Bá Lân, Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn) là con rể Nguyễn Bá Lân.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú viết có hệ thống và kĩ nhất về Nguyễn Bá Lân, đánh giá cao về tài năng và đạo đức Nguyễn Bá Lân. Nhưng Phan Huy Chú đã lầm khi cho rằng năm 1775 Nguyễn Bá Lân đã chết. Đọc Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả, chúng tôi biết Nguyễn Bá Lân sinh 1700 và mãi đến năm 1785 mới chết. Như vậy có nghĩa là năm 1872 khi Trịnh Sâm chết, thì Nguyễn Bá Lân vẫn đang còn làm quan ở phủ chúa, và đã được chứng kiến cuộc tranh cướp ngôi giữa một bên là Trịnh Cán con của Đặng Thị Huệ và một bên là Trịnh Tông, cuộc tranh cướp này là nguyên nhân làm bùng ra cuộc nổi loạn của kiêu binh, làm cho cơ đồ của họ Trịnh bị sụp đổ. Về sự kiện lịch sử này, Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả có ghi chép đại khái như sau: Trịnh Sâm chết có để lại di chiếu bỏ quận Tông (Trịnh Khải) lập quận cán, các quan bắt buộc phải tuân theo. Nhưng Nguyễn Bá Lân là một thanh kiếm bằng vàng và mười mấy tấm lụa màu, yêu cầu ông cho chữ ký phế truất quận Tông, lập quận Cán lên ngôi chúa.
Năm ấy, Nguyễn Bá Lân đã 82 tuổi, ông giả vờ già lẫn, không đọc được di chiếu. Ba Cung liền ghé vào tai ông nói nhỏ, rồi lấy tay viết lên không khí ngỏ ý khuyên ông kí vào tờ di chiếu. Ông giả vờ nghễnh ngãng không hiểu Ba Cung nói gì. Cực chẳng đã, Ba cung phải mang kiếm vàng, vàng và lụa ra về.
Sau đó kiêu binh nổi loạn, chúng đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa. Chúng phá nhà ông Thượng Lại (Thượng thư bộ Lại Nguyễn Khán) và nhà của nhiều đại thần khác, duy có nhà của Nguyễn Bá Lân, chúng không động đến. Không những thế, chúng còn kéo nhau đến lạy chào.
Sau khi lên ngôi chúa, Đoan Nam vương Trịnh Khải mấy lần tuyên triệu Nguyễn Bá Lân về Thăng Long, cuối cùng ông bất đắc dĩ phải về kinh, nhân dân kéo đến xem mặt ông đông như hội. Người ta gọi ông là Phật sống. Kiêu binh cũng bảo nhau kéo đến chào ông.
Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả cho biết chúa Trịnh từng phái Nguyễn Bá Lân đi đánh dẹp cuộc nổi dậy ở nơi này hay nơi khác. Cụ thể là ông đã từng mang quân triều đình đi đánh Lê Duy Mật, khi thì ở huyện Tiên Phong (nay thuộc huyện Ba Vì), khi thì ở Hưng Hóa, khi thì ở sông Đà, sông Hồng, khi thì ở Hoà Bình, khi thì ở Mộc Châu vv…với nhiều chi tiết.
Khi Trịnh Doanh lên ngôi chúa thay Trịnh Giang, thì tình hình đất Cao Bằng rối loạn, chỉ còn có Châu Thạch An là còn có trật tự, an ninh một phần nào. Ba lần Trịnh Doanh cử người lên làm đốc Trấn Cao Bằng, nhưng không ai chịu đi, cuối cùng Trịnh Doanh cử Nguyễn Bá Lân về Thăng Long nhận chức khác. Dân Cao Bằng làm đơn đưa về Kinh đô tỏ ý ái mộ ông và xin chúa Trịnh cho ông ở lại trấn trị đất Cao Bằng. Trịnh Doanh không đồng ý. Sau dân Cao Bằng mua một bức trướng gấm đem về Thăng Long tặng ông…
Những điều tôi trình bày ở trên nói lên rằng gia phả ở các gia đình và thần phả, ngọc phả ở các làng xã có nhiều tài liệu có giá trị; rằng tại các gia tộc, nhất là các gia tộc lớnm các làng xã có những nhân vật quan trọng, nhiều gia phả, thần phả, ngọc phả, trong đó chúng ta có thể tìm được nhiều tài liệu về lịch sử, tài liệu về dân tộc học, về văn hoá dân gian.
Tập chung tất cả các gia phả, thần phả, ngọc phả, ngọc phả ấy lại một cơ quan của Nhà nước là điều cần phải làm ngay. Càng chậm trễ thì càng làm cho các gia phả, thần phả, ngọc phả, có khả năng mất dần đi, hoặc mục nát, hư hỏng đến mức không sử dụng được nữa.
Tập trung tất cả các gia phả, thần phả, ngọc phả lại vào một cơ quan không phải là việc dễ làm. Vì các gia tộc, các làng xã rất ngại ngùng trong việc giao gia phả, thần phả, ngọc phả cho cơ quan Nhà nước, vì sợ cơ quan nhà nước làm mất “lịch sử”của gia tộc hoặc của làng xã đi.
Nếu cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo quản di sản văn hoá của đất nước có quyết tâm thì vẫn có khả năng tập trung trong được các gia phả, thần phả, ngọc phả với điều kiện đảm bảo với các gia tộc có gia phả hoặc các làng xã có thần phả, ngọc phả là gia phả hoặc thần phả, ngọc phả sẽ được trả lại như cũ, một khi đã được chép lại hoặc được chụp ảnh. Đối với các gia tộc, làng xã khó tính, chúng ta có thể kí một số tiền đề để rồi lấy về, khi chúng ta đã trả lại gia phả, hoặc thần phả, ngọc phả cho chủ cũ.
Các gia tộc, các làng xã cũng phải coi là gia tộc mình, làng xã mình, có vinh dự có gia phả, thần phả, ngọc phả, được bảo quản và tập trung trong cơ quan Nhà nước để phục vụ công tác nghiên cứu của nhân dân cả nước.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm cần có sự cộng tác với các cơ quan như Viện Sử học, Viện văn học, Viện Khảo cổ, Viện Dân tộc học và chính quyền ở địa phương thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ tập trung các gia phả, thần phả, ngọc phả để bảo quản tốt hơn và phục vụ công tác nghiên cứu tốt hơn. Khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm được nhiệm vụ này, các cán bộ làm công tác khoa học sẽ có một nguồn tài liệu rất phong phú để sung, đính chính sự hiểu biết của mình về các lĩnh vực khoa học mà mình nghiên cứu.
Nguồn: tập san Nghiên cứu Hán Nôm, số 1 - 1984, trang 72-76.
*Tác giả Văn Tân (1913 - 1988) là Giáo sư Sử học (1980). Tên thật là Trần Đức Sắc, bút danh: Văn Tân, Văn Giang, Cựu Kim Sơn, Dương Minh, S.T, Duy Minh, D.M. Ông là Thư ký tòa soạn tạp chí Nghiên cứu lịch sử từ năm 1961 đến 1976.
*Tác giả Văn Tân (1913 - 1988) là Giáo sư Sử học (1980). Tên thật là Trần Đức Sắc, bút danh: Văn Tân, Văn Giang, Cựu Kim Sơn, Dương Minh, S.T, Duy Minh, D.M. Ông là Thư ký tòa soạn tạp chí Nghiên cứu lịch sử từ năm 1961 đến 1976.