GIA PHẢ, NGUỒN TƯ LIỆU QUÝ TRONG CÔNG CUỘC TÌM HIỂU DANH NHÂN VĂN HÓA
Nguyễn Khắc Xương
Gia phả và phả hệ là những tư liệu văn bản ghi chép lại về các thế hệ và những biến cố liên quan của một nhân vật, một gia đình và một dòng họ. Các gia đình nho học và các danh nhân văn hóa có thể nói không nhà nào, không ai là không có gia phả và phả hệ. Các bản gia phả này vừa chép về một thế hệ với các vai vế họ hàng của thế họ đó, lại chép các thế hệ với các vai vế họ hàng của thế hệ đó, lại chép các thế hệ nối tiếp nhau từ các cụ tổ xa đời, từ cội nguồn của dòng họ cho tới thế hệ người soạn chep gia phả và cứ thế nổi tiếp mãi, tựa như dòng chảy bất tận của tông tộc. Nhìn vào phả hệ, một hình thức biểu đồ gia phả, ta được thấy cả hàng ngang về quan hệ họ hàng của thế hệ đương đại với hàng dọc là các thế hệ nối tiếp nhau từ khởi thủy, từ ngày tiên tổ lập nghiệp mở đường cho dòng họ định hình, tồn tại và phát triển lâu dài, thế hệ tiếp nối thế hệ các hàng ngang cứ xếp tiếp với nhau trở thành chồng lên, tựa lên nhau theo chiếu chứng biểu hiện sự trường tồn của một dòng họ.
Công việc soạn gia phả có ý nghĩa quan trọng và có thể nói là thiêng liêng, đó là biểu hiện sâu sắc nhất của tư tưởng “Uống nước nhớ nguồn”, “Ẩm hà tư nguyên” của nhân dân ta, lại cũng mang tư tưởng tự hào của dòng họ và còn ý nghĩa khác không kém quan trọng là giáo dục con cháu noi gương cha ông, giữ lấy nếp nhà, giữ lấy truyền thống và danh dự của họ tộc.
Tuy nhiên, gia phả không chỉ có ý nghĩa với một họ tộc, một gia đình mà còn mang tính xã hội cao trong công cuộc nghiên cứu lịch sử. Gia phả còn có những tư lieuẹ, những phát hiện cả trong lĩnh vực sử học và xã hội học. Đó là những nhận thức của chúng tôi trên đường tìm hiểu Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, thân thế và sự nghiệp, một nhà nha tiêu biểu cuối cùng của văn học cổ điển phong kiến và của văn hóa Khổng học cũng lại là người mở đường, người khai thông cho văn học và thơ ca đi vào hiện đại.
Trong tham luận này, chúng tôi giới thiệu các tư liệu gia phả và phả hệ của dòng họ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu như sau:
- Bản gia phả và phả hệ của họ Nguyễn - Tản Đà gốc ở Kim Lũ (Thanh Trì - Hà Nội) do Văn minh điện đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp biên soạn, đề là “Phả hệ họ Nguyễn huyện Thanh Trì, cháu đời thứ 10 Nguyễn Trọng Hợp kính cẩn biến soạn”.
- Bản gia phả của họ Nguyễn Tản Đà, tách từ Kim Lũ về lập nghiệp ở huyện Bất Bạt trấn Sơn Tây từ thời Lê Chiêu Thống đây chính là chi họ của Tản Đà.
- Bản gia phả của dòng họ Nguyễn Bá Lân Tiến sĩ khoa Tân Hợi triều Vĩnh Khánh (Lê Duy Phương) do chính Nguyễn Bá Lâm soạn.
Nguyễn Trọng Hợp đã chép gia phả, soạn phả hệ về họ Nguyễn ở Kim Lũ - Thanh Trì mà đó chính là họ tộc gốc của Tản Đà có chép về chi của Tản Đà và trong phả hệ ghi rõ cả tên thân phụ Tản Đà cùng những anh em của Nguyễn Khắc Hiếu. Riêng điều này cũng đã cho thấy trong họ Tản Đà có một nhân vật lịch sử và văn hóa quan trọng với thời cuộc là Nguyễn Trọng Hợp và gia phả không chỉ làm sáng tỏ thêm nhiều chi tiết về bản thân Nguyễn Trọng Hợp mà còn làm sáng tỏ nhiều điều trong tiểu sử Tản Đà.
Về chi của Tản Đà, bài Tựa mở đầu gia phả và phả hệ ghi tóm tắt về các chi viết:
“Chi sau nữa là cụ Bình Chương thi trúng cách, đặc cách làm quan trong triều, mới đầu Đốc đồng Cao Bằng năm đầu Chiêu Thống (1787) rồi Đồng bình chương sự. Cụ sinh 11 con, con lớn là Đình Hằng theo sang nước Thanh theo đường bộ đến đạo Bác Lãng gặp nạn mất, truy tặng Hoàng Tín đại phu (…) Lại có tằng tôn ngành thứ là Kế đỗ cử nhân làm quan đến án sát tỉnh Ninh Bình, lại có Hội đỗ cử nhan bổ giáo thụ, như vậy văn học cũng nhiều, đó là chi thứ 6”.
Trên đây chép “cụ Bình chương” là Nguyễn Huy Tú, đốc đồng rồi Đốc trấn Cao Bằng, là trưởng đoàn phò mẹ Lê Chiêu thống là Lê thái hậu sang triều Thanh cầu viện, sau phong Đồng bình chương sự, Tô phái hầu. Sau trận Tây Sơn đại phá quân Thanh (1789), Nguyễn Huy Tú về ẩn ở huyện Bất Bạt trấn Sơn Tây. Đây là tổ các chi họ Nguyễn Thanh Trì ở Bất Bạt.
“Kế” nói trên là Nguyễn Danh Kế, thân phụ Tản Đà, Cử nhân ra tri huyện Lý Nhân, tri phủ Xuân Trường rồi Án sát Ninh Bình. “Hội” là Nguyễn Hội bác Tản Đà anh họ Nguyễn Danh Kế, là Cử nhân bổ Giáo thụ sau mộ dân binh theo thủ lĩnh Cần vương Nguyễn Quang Bích kháng Pháp ở Hưng Hóa, được vua Hàm Nghi chống Pháp phong Tán tướng quân vụ nên trong họ vẫn gọi là cụ Tán Tương. Viết về Nguyễn Quang Bích, Trần Huy Liệu rồi Dinh Xuân Lâm có nhắc đến ông Hội nhưng chỉ biết là Nguyễn Khê người làng Khê Thượng - Sơn Tây mà không biết được tên chính thức và lai lịch.
Cũng tư liệu dẫn trên cho biết về chi trưởng, gọi là đại tông, trong đó có chép:
“Cụ Hoằng Nghị (đời thứ 6 họ Nguyễn Thanh Trì) sinh 5 con, con trưởng là cụ Phương Đình đỗ Ất khoa (phó bảng) từng làm quan ở Bí các (Bí thư các), phụng sự tới yên Kinh - Trung Quốc, chuyển làm Án sát sứ, sau giáng chức về hưu với hàm Hàn lâm viện thị độc. Khi về hưu, do văn chương và tuổi cao được trọng vọng một thời. Nay con cụ Phương Đình là Dĩnh, hàm Hàn lâm viện điện tịch lĩnh tri huyện huyện Kim Sơn là thừa kế”.
Như vậy trong họ tộc Nguyễn Trọng Hợp và Tản Đà còn có danh nhân văn hóa Phương đình Nguyễn Văn Siên, người mà đương thời suy tôn cùng với Cao Bá Quát là “thần Siêu thánh Quát”.
Bản phả hệ cũng chép về tổ 5 đời của Tản Đà là Nguyễn Công Thể như sau;
“Cụ Trung Mẫn đỗ Tiến sĩ thứ 5 khoa Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719), vào chính phủ, chức thiếu bảo Lại bộ thượng thư phong tặng Thái tể thái phó Kiều quận công”.
Về Nguyễn Công Thể tức Trung Mẫn, bản gia phả chép theo lối biên niên rất rõ và có nhiều chi tiết. Công Thể là người đã có công phá tan âm mưu quan chức nhà Thanh lấn chiếm đất biên giới trấn Tuyên Quang với mỏ đồng Tụ Long, lại có một vai trò chủ chốt trong khởi xướng và trực tiếp làm đảo chính, phế Uy vương Trịnh Giang, lập Ân vương Trịnh Doanh, khi làm đảo chính, Trịnh Doanh mới là Ân Quốc công. Xin dẫn một đoạn viết về cuộc đảo chính đó trong gia phả họ Nguyễn - Thanh Trì.
“Cụ cùng quan Hữu tư giảng là Nguyễn Qúy Cảnh định mưu chước cùng với thân thần là Doãn công (Trịnh Tạc sau phong Doãn Trung công), Bính công (Võ Tất Thận sau phong Bính quận công) mật tâu vua xin cho Ân quốc công (Doanh) nối ngôi (ngôi đây là ngôi chúa). Ân quốc công trước còn nhường cánh, vua thân dụ hai ba lần, Ân quốc công mới chịu mệnh, lại hẹn Hoán công cùng phò mã Cổn công, nội giám Khuê quận công nội các Phương Đình hầu đều giúp sức.
Trước khải phủ Nhiếp Chính (tức phủ Trịnh Giang) ủy tên Thực đem quân sang Hà Bắc đánh giặc, tên Thục còn ngập ngừng, Cụ (Công Thể) lấy lời nói khích động, Thực bất đắc dĩ phải xuất quân.
“Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) tuần đầu tháng giêng Canh thân bộ thự xếp đặt xong, định lấy ngày khai bảo khởi sự, trình với trừ cung (đây chỉ Doanh), hôm ấy trời chưua sáng, Hoán công lĩnh quân bản bộ vây kín bốn mặt cung Thưởng Trì, sáng rõ, Ân quốc công (Trịnh Doanh), tiến vào trong phủ. Cụ và Nguyễn Quý Cảnh cùng mời tiến. Ân quốc công cứ nhường tránh, cụ tuyên đọc tờ chỉ, bèn cùng lên tòa. Khuê quốc công lên lầu trồng đánh ba hồi trống. Tên Bào nghe tiếng trống từ cung Thưởng Trì vội vã cưỡi ngựa chạy ra, Hoán công giết luôn, bèn vào tôn Ân quốc công làm Minh Đô vương (tức Ân vương), tôn Thuận vương Trịnh Giang là Thái Thượng vương. Tên Thực nghe tin một mình chạy trốn. Chúa lệnh cho săn bắt dư đẳng, cấm phủ từ đây nghiêm chỉnh yên lành.
Đoạn văn trên thuật lại một sự kiện lịch sử vừa trung thực vừa sinh động, đó chẳng phải là tư liệu quý cho các nhà sử học hay sao? Trong phần viết về Nguyễn Công Thể cũng như về Nguyễn Huy Tú, gia phả cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin lịch sử có giá trị như thế, cho nên nói gia phả cũng là nguồn tư liệu quan trọng.
Một điều chúng tôi cho là rất lý thú là nhờ gia phả các dòng họ mà chúng tôi đã phát hiện được mối quan hệ giữa dòng họ Nguyễn Bá Lân với dòng họ Nguyễn Huy Tú, tức là dòng họ Tản Đà, đó là quan hệ thông gia giữa hai dòng họ khoa bảng nổi tiếng này.
Về Nguyễn Bá Lân, Cố Đô - gia phả ký chép về mối thông gia đó như sau:
“Cụ Nguyễn Thị Nhiên (hay Nhân) con gái thứ 7 (cụ Nguyễn Bá Lân) là con trắc thất, người Hoài Bão, Bắc Ninh, khi trưởng thành gả con Nguyễn Huy Tú là con thứ Kiều quận công, người ở Kim Lũ - Thanh Trì, Sơn Nam.
“Ở Triều Lê Chiêu Thống, Tú làm quan đốc đồng ở Cao Bằng, sau quân Tây Sơn ra Bắc, Tú bảo vệ Hoàng thái hậu sang triều Thanh xin cứu viện, khi thắng lợi trở về được phong Đồng bình chương sự, Tô Phái hầu. Chưa được bao lâu quân Tây Sơn lại ra Bắc, quân Thanh tan vỡ, Tú đi ẩn nơi sơn cùng, đến năm Nhân Tuất triều đại Gia Long yên ổn, cụ Tú về ở ẩn mở trường dạy học ở Khê Thượng, hơn 10 năm thì mất, lấy tên hiệu là “Thanh Khê tiên sinh”.
Như vậy, Cổ Đô gia phả ký của dòng họ Nguyễn tướng công - Nguyễn Huy Tú, húy Đễ - cụ họ Nguyễn, hiệu Đoan Trang, húy Nhân (Nhiên). Cụ là con gái của cụ Nguyễn tướng công làng Cổ Đô huyện Tiên Phong, Sơn Tây tỉnh. Sinh mồng 10 tháng 6 năm Kỷ Tỵ, giờ Thìn, mất 26 tháng 6 năm Quý Tỵ thọ 86 tuổi.
Xét về tiên tổ là cụ Tiên Lĩnh công nguồn gốc ở Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Tiên Du xã Hoài Bão, là con trai cụ Mặc Trai công. Năm Tân Hợi địa phương có loạn, nhân đó cụ lên Sơn Tây làm nghề dạy học, thời ấy bản phủ ở Tiên Phong làng Cổ Đô, học trò tới họ rất đông. Sau Cổ Đô trở thành quê quán của cụ.
Anh chị em cùng thời đều hiển đạt giàu sang trở thành một họ lớn ở làng Cổ Đô nổi tiếng cho đến bây giờ.
“Xét về thân mẫu của cụ (Đoan Trang) là trắc thất của cụ Nguyễn tướng công. Tướng công đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi, làm quan Hộ bộ Thượng thư, được phong là Lễ quận công”.
Như vậy gia phả dòng họ Nguyễn của Tản Đà cũng có những thông tin về họ Nguyễn Cổ Đô và Nguyễn Bá lân đồng thời xác nhận Nguyễn Huy Tú là con rể Nguyễn Bá Lân đồng thời xác nhận Nguyễn Huy Tú là con rể Nguyễn Bá Lân. Đó là thông gia giữa 2 dòng khoa bảng văn học nổi tiếng.
Nguyễn Bá Lân được Tòng Thái thờ làm thành hoàng bởi xưa kia cụ lên đây đặt dinh sở ở xóm Cỏ Già của Tòng Lệnh, Cụ Nguyễn Công Hoàn bảo với cụ Lân: đất này sau sẽ phát phúc hoặc phát công danh nên giữ lấy. Lân chiêu mộ dân lập thành xã Tòng Thái vì thế dân Tòng Thái thờ Lân làm thành hoàng. Ông Nguyễn Huy Tú rời Kim Lũ lên Bất Bạt ở xã Tòng Thái rồi phát triển sang Khê Thượng. Chi thứ 6 là chi người con thứ 6 của Nguyễn Huy Tú ở Khê Thượng chính là chi của Tản Đà.
Từ năm 1996, họ Nguyễn Cổ Đô và họ Nguyễn Tòng Thái - Khê Thượng đã nối lại quan hệ với nhau, lễ giỗ Tổ ở Cổ Đô, bên Tòng Thái cũng sang dự và giỗ Tổ bên Tòng Thái, họ Nguyễn Cổ Đô cũng sang làm lễ.
Chúng tôi đã trình bày về ý nghĩa của nguồn tư liệu gia phả với phả đồ, phả hệ trong công cuộc tìm hiểu thân thế và sự nghiệp các danh nhân và báo cáo về gia phả dòng họ Nguyễn của Tản Đà ở Thanh Trì và Bất Bạt. Qua các gia phả, chúng ta được thấy dòng họ Tản Đà có những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng và tác đọng nhất định tới văn hóa và lịch sử như Nguyễn Công Thể, Nguyễn Huy Tú, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hội và có thể kể cả Nguyễn Bá Lân. Cũng qua các gia phả này mà chúng ta có được nhiều tư liệu quý giá, nhiều phát hiện bất ngờ. Đi tìm nguồn tư liệu gia phả, xác minh, đối chiếu và phân tích, đó là một công việc khoa học cần thiết để đưa đến những phát hiện và những thành công của công cuộc tìm hiểu danh nhân, nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc.
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr. 502-510)
*Tác giả Nguyễn Khắc Xương là trưởng nam của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.