Tôi bị gạt ra ngoài lề Đại hội Ngôn ngữ học
lần thứ VI (2016 - 2020)
Đào Tiến Thi
Thạc sĩ, Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học VN
Hôm nay, 28-3-2016, vào FB, tôi mới biết sự kiện Đại hội Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khoá VI (2016 – 2020) đã diễn ra hôm 26-3-2016. Tôi hết sức ngỡ ngàng. Tôi trong BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khoá V (2010 – 2015) thế mà không hay biết gì!
Tôi gọi điện hỏi cô Đào Thị Phương, nhân viên thường trực ở Văn phòng Hội, là bộ phận làm giấy mời, thì cô ấy bảo chỉ căn cứ vào danh sách của lãnh đạo đưa cho. Tôi nói tôi là người quan tâm, gắn bó với Văn phòng Hội đã lâu, khi không thấy tên tôi, cô có biết không. Cô nói rằng cô biết, nhưng cô chỉ làm theo sự chỉ đạo. Giọng cô không được tự nhiên ngay từ đầu cuộc nói chuyện, đến đây cô càng lúng túng, nhân lúc có chuông điện thoại bàn, cô xin ngắt cuộc trao đổi.
Xin nói thêm rằng, hôm 21-3-2016, trước Đại hội 5 ngày, tôi có qua Văn phòng Hội để lấy tạp chí và đóng tiền hội phí thì gặp cả ba vị trực ở Văn phòng Hội, trong đó có PGS.TS. Phạm Văn Hảo, một uỷ viên BCH Hội. Ấy thế mà không ai nhắc đến Đại hội. Giả sử hôm trước có quên tôi thì hôm nay chẳng lẽ không nhớ?
Tôi gọi điện cho PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội khoá V và cũng vừa tái cử khoá VI. Ông Phạm Văn Tình nói đã nhận được tin của văn phòng báo lại về thắc mắc của tôi. Ông cho biết đây là sơ suất và thay mặt lãnh đạo hội xin lỗi tôi (nhưng giọng ông không được tự nhiên như nó phải có trong trường hợp này). Tôi với anh Tình là chỗ quen nhau đã lâu, cũng khá là gần gũi, tôi nghĩ không thể có chuyện quên ở đây. Cho nên tôi nói: “Em với anh em ở Văn phòng Hội là chỗ quen biết nhau đã lâu, em vẫn thường qua lại Văn phòng thăm hỏi, lấy tạp chí, đóng tiền mua tạp chí, tiền hội phí,… Em với anh lại càng là chỗ quen thuộc, không thể có chuyện “sơ xuất” được. Anh nói thật đi, có chuyện gì ở đây?”. PGS.TS. Phạm Văn Tình vẫn khẳng định là sơ suất, nhưng thái độ cũng không được thân thiện như quan hệ giữa tôi với anh trước kia. Tôi lại gọi cho GS.TS. Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội khoá V và lại vừa tái cử khoá VI. GS.TS. Lê Quang Thiêm cũng khẳng định là sơ suất và xin rút kinh nghiệm (chả biết rút kinh nghiệm về cái gì) và không hề có một lời xin lỗi như PGS.TS. Phạm Văn Tình. Tôi nói: “Em khẳng định với thầy không phải là sơ suất”. GS. Thiêm bảo “Thì tuỳ anh thôi”. Giọng nói có phần khó chịu, cho nên cuộc nói chuyện chấm dứt.
Cũng kỳ lạ là cả hai vị trên đều thừa nhận “sơ xuất” nhưng không ai hứa sẽ tìm hiểu xem sơ suất ở khâu nào.
Tôi thì thừa hiểu vì sao. Vì tôi đã tham gia ký nhiều kiến nghị, thư ngỏ, tuyên bố gửi các cơ quan Đảng và Nhà nước. Có thể đã có một lệnh miệng của cấp nào đó bắt các vị đứng đầu BCH Hội làm việc này. Cũng có thể chỉ do lãnh đạo hội sợ hãi hay chính họ cũng thực sự không ưa một người có tiếng nói phản biện, nên đã hành xử như vậy.
Kiểu nào thì cũng là một việc sai trái, thậm chí là không lịch sự. Tôi nghĩ dù có bị lệnh của ai đó, thì cũng đến mức là không giới thiệu tôi tham gia BCH khoá mới, chứ còn việc tôi đến dự Đại hội thì có can hệ gì mà phải tuyệt đối “cách ly” tôi đến thế. Mà giả sử có lệnh cấm đó thì cứ nói thẳng ra, toàn chỗ anh em quen thuộc nhau, tôi hoàn toàn thông cảm, có gì mà cứ phải loanh quanh.
Tôi tham gia Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, rồi vào BCH Hội và đã đóng góp tích cực về mọi phương diện, cả về khoa học lẫn tài chính. Tôi quý trọng và thân thiện với các thầy, các anh em trong Hội. Ấy thế mà bây giờ chỉ vì những việc làm bảo vệ Tổ quốc, chống ách đô hộ và âm mưu thôn tính của Trung Cộng, chỉ vì đấu tranh cho dân chủ và công bằng xã hội, mà anh em trong Hội đối xử với tôi như thế, thật lấy làm buồn.
Buồn cho tôi chỉ một phần. Buồn vì đội ngũ trí thức của đất nước như thế mới thật là đáng buồn.
Đ.T.T
_______
Tễu Blog: Các ông Lê Quang Thiêm, Phạm Văn Tình hèn quá! Có thể bọn họ nhiều chữ, nhiều chức, có học hàm học vị cao, nhưng quyết không phải là các nhà trí thức! Tư cách nhếch nhác quá!