Những người ủng hộ blogger Nguyễn Hữu Vinh đứng trước Tòa án Hà Nội
ngày 23 tháng 3 năm 2016.
Anh Ba Sàm, cuộc chiến khai dân trí
Kính Hòa, phóng viên RFA
RFA 2016-03-28
Tạp chí điểm blog do Kính Hòa thực hiện với phần trích lời trực tiếp của các blogger được thực hiện qua giọng đọc của các anh chị em ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.
Hy vọng
Các blogger Việt Nam hướng mọi sự chú ý vào ngày 23 tháng Ba, ngày tòa án Hà nội mở phiên xét xử một người đồng nghiệp của họ, blogger Nguyễn Hữu Vinh, anh Ba Sàm.
Nhiều người thấy rằng đã có nhiều đổi thay theo chiều hướng tiến bộ trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực thông tin truyền thông, cho nên người ta hy vọng rằng vụ án được cho là phạm nhiều sai trái này của cơ quan tố tụng sẽ có một kết thúc có hậu.
Blogger Cánh Cò viết trước phiên xử rằng anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh sẽ được trở về với gia đình.
Sáng ngày 23, trước khi phiên tòa diễn ra, blogger Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động dân sự trẻ tuổi viết bài hồi tưởng những kỷ niệm của anh với trang thông tin Ba Sàm. Đối với Nguyễn Anh Tuấn con đường mà blogger Nguyễn Hữu Vinh lựa chọn là con đường của lương tâm, và anh hy vọng:
Anh Vinh đã lựa chọn theo một lương tâm như vậy. Chúng ta, bạn đọc thân thiết của anh, chúc anh - một nhà báo lương tâm - hôm nay quay trở về với gia đình bè bạn.
Và về với nước Việt mà anh luôn đau đáu muốn phá vòng nô lệ để giải phóng - một sự giải phóng đích thực, đến từ nhận thức của mỗi công dân được tiếp nhận thông tin tự do đa chiều.
Mong đợi của Nguyễn Anh Tuấn và nhiều blogger khác đã không thành sự thực, khi anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị xử 5 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước.
Vụ án và xử án
Ông Nguyễn Hữu Vinh cùng một cộng sự bị bắt cách đây gần hai năm, trong một vụ án mà nhiều người cho là có rất nhiều sai phạm từ phía cơ quan tố tụng. Một trong những sai phạm quan trọng, theo luật sư Hà Huy Sơn, bào chữa cho ông Vinh thì cơ quan tố tụng đã bắt người trước khi đi tìm chứng cứ. Ngoài ra sau 5 lần điều tra, một lần hoãn xử án, thời gian của qui trình xử án cũng không được tôn trọng theo qui định của chính luật pháp Việt nam.
Một điểm khá đặc biệt của vụ án này là ông Nguyễn Hữu Vinh là một đảng viên cộng sản, lúc ông bị xử ông vẫn còn là đảng viên. Điều này là một sự trớ trêu vì theo chỉ thị 15 của đảng cộng sản đang độc quyền cai trị Việt nam thì cơ quan công an không được lập hồ sơ theo dõi ông Vinh. Blogger cùng tên, JB Nguyễn Hữu Vinh nhận xét rằng vì việc làm của anh Ba Sàm làm đảng nguy cơ bị bóc trần, lộ ra sự thật nên dù vướng phải chỉ thị 15 của chính mình, đảng cũng phải bắt Nguyễn Hữu Vinh.
Đã có rất nhiều người nhận ra, muốn vô hiệu hóa “chuyên chính vô sản” tại Việt Nam thì phải cung cấp đủ thông tin đúng cho đồng bào của mình. Thông tin là con đường duy nhất giúp thay đổi nhận thức.
Bà Đinh Ngọc Thu
Phiên tòa Nguyễn Hữu Vinh được nhà nước Việt Nam tuyên bố là một phiên tòa công khai, nhưng lại được một lực lượng an ninh dày đặc ngăn chận không cho những người ủng hộ ông Vinh vào tham dự. Hơn thế nữa, những người đáng ra là nhân chứng tại tòa như blogger Đoan Trang lại bị cầm giữ trong đồn công an trong thời gian diễn ra phiên xử.
Blogger Đoan Trang là tác giả của một số bài viết đăng trên trang Ba Sàm, mà nhà cầm quyền dùng để kết tội ông Vinh.
Dấn thân phá vòng nô lệ
Ông Nguyễn Hữu Vinh sinh ra trong một gia đình cán bộ cộng sản cao cấp. Blogger Song Chi viết rằng ông Vinh có thể có một con đường công danh và sự nghiệp thăng tiến trong lòng chế độ cộng sản, nhưng ông đã chọn con đường khó khăn, con đường khai dân trí người Việt nam bằng tự do thông tin.
Bà Đinh Ngọc Thu, một cộng sự của Ông Nguyễn Hữu Vinh, viết rằng:
Đã có rất nhiều người nhận ra, muốn vô hiệu hóa “chuyên chính vô sản” tại Việt Nam thì phải cung cấp đủ thông tin đúng cho đồng bào của mình. Thông tin là con đường duy nhất giúp thay đổi nhận thức. Khi nhận thức đã thay đổi thì hành vi cũng sẽ thay đổi. Hình như “phá vòng nô lệ” phải khởi đầu từ đó.
Một blogger khác là Lê Sơn viết trên trang Dân Luận rằng trang Ba Sàm của ông Nguyễn Hữu Vinh đã khai mở tâm trí cho nhiều thanh niên Việt Nam trong thời gian qua, để họ không bị nhồi sọ, không bị nhuộm đen:
Một xã hội thiếu thốn sự thật thì ham muốn tự nhiên của con người là tìm kiếm sự thật.
Sự thật về xã hội Việt Nam từ trang blog anhbasam đến đâu thì hãy xem hàng triệu bộ não của tất cả các thành phần đánh giá đúng bản chất của nó. Tôi không nghĩ rằng ‘’những bộ óc lãnh đạo thiên tài’’ của đảng cộng sản lại qua mặt được hàng triệu người dân Việt Nam đau đáu vì hiện tình đất nước?.
Nếu đất nước Việt Nam không có tham nhũng. Nếu đất nước Việt Nam không bị Trung Quốc cộng sản xâm lược Biển Đông. Nếu đất nước Việt Nam thực sự có nhân quyền, dân chủ, cuộc sống người dân đầy đủ ấm no, không phải vay nợ thế giới, thì có thể những bài viết trên trang Anhbasam đã thực sự ‘’bôi nhọ nhà nước’’ do đảng cộng sản cai trị.
Tuy nhiên, những điều vừa nói trên tại Việt Nam đều được phủ định đã, đang, diễn ra một cách trầm trọng và có hệ thống.
Một bạn trẻ nói rằng ‘’nếu không có internet, không có basam, không có các blog tự do thì chắc chắn đầu óc tôi vẫn bị cộng sản nhồi sọ và nhuộm cho đen như đít nồi’’.
Cách dọn dẹp tàn dư của đám cháy là hãy cho nó cháy sạch sành sanh thành tro bụi.
Chẳng có ai bôi nhọ được đít nồi cả, vì nó đã đen sẵn rồi làm sao mà bôi đen được nữa. Dù vậy, người dân lên tiếng về các sai phạm nhũng nhiễu, về chủ quyền biển đảo, về sự tham ô hối lộ thì lại gán cho họ cái tội bôi nhọ nhà nước ?!
Một tác giả khác là Đỗ Trọng, từng là chuyên viên cao cấp trong chính quyền Việt nam, cho rằng việc làm của ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự đáng lý ra phải được đảng cộng sản hàm ơn vì trang Ba Sàm đã cảnh tỉnh những sai lầm của họ. Đỗ Trọng viết trên trang Dân Luận:
Đảng cộng sản Việt Nam thường khoe những lời kiêu ngạo cộng sản "Đảng ta là chân lý, là văn minh, là trí tuệ". Nếu đúng như vậy thì người khôn phải lấy những lời cảnh tỉnh để tự răn mình. Chỉ những kẻ đã mất trí mới đàn áp những người đã cho mình những lời cảnh tỉnh. Vì thế, thay vì bỏ tù ông Vinh và bà Thúy, đảng nên cảm ơn họ đã chỉ cho mình vết nhơ trên mặt để lau chùi cho sạch sẽ, hủy bỏ những lời cáo buộc họ ngày 23/3/2016 và trả tự do ngay cho họ.
Ông Vinh và bà Thúy thuộc những người có công lớn góp phần chống lại đà tha hóa bộ máy quyền lực ở Việt Nam, đòi đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam phải luật hóa và thực thi các quyền tự do dân chủ của người dân đã được Hiến pháp thừa nhận và góp phần thúc đẩy xu thế tất yếu lịch sử ra đời Xã hội dân sự ở Việt Nam. Chúng ta thành thực cảm ơn họ và cùng nhau lên tiếng đòi Chính quyền hủy bỏ bản án ngày 23/3/2016, trả tự do ngay cho ông Vinh và bà Thúy.
Sự dấn thân phá vòng nô lệ của Nguyễn Hữu Vinh cũng gây sự chú ý rất lớn bên ngoài Việt nam. Một dân biểu Đức là ông Martin Patzelt đích thân sang Việt nam với mong muốn tham dự phiên tòa. Phát biểu của ông về công lao của những blogger dấn thân như ông Nguyễn Hữu Vinh được nhiều trang blog chia sẻ:
Dùng kẻ ngu để vô hiệu hóa, tầm thường hóa trí thức - đó là chiến thuật mà chính quyền công an trị vẫn sử dụng suốt nửa thế kỷ nay.
Nhà báo Đoan Trang
“Họ đã thay đổi thế giới. Và họ đã thực sự tranh đấu cho một đời sống mà ngày nay chúng ta đương nhiên coi đó là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta nên ghi nhớ rằng chúng ta được thừa hưởng của những người đấu tranh dũng cảm mà trong quá khứ đã nghĩ ra, hình dung, khuyến khích và tranh đấu cho các quyền con người. Đoàn kết, liên đới là điều mà chúng ta nợ họ“.
Blogger Song Chi tiếp lời về những gì mà ông Nguyễn Hữu Vinh đã làm được, đồng thời cảnh báo những nguy hiểm của việc cản trở con đường dân chủ hóa đất nước,
Tôi nghĩ rằng tôi và tất cả những ai đã từng tìm đọc tin, bài trên trang anh Ba Sàm ngay từ khi trang này mới thành lập và vẫn tiếp tục đọc cho tới bây giờ, đều mang “nợ” anh Ba Sàm và những người biên tập viên, phụ tá… đã âm thầm làm việc để giữ cho trang anh Ba Sàm tồn tại. Nếu không có sự hy sinh của những người như anh Ba Sàm và rất nhiều người khác, trước anh, đồng thời với anh, và sau anh, đất nước này sẽ không bao giờ thay đổi.
Bởi thực tế đã chứng minh một chế độ độc tài do đảng cộng sản cầm quyền sẽ tồi tệ hơn, di hại cho đất nước, dân tộc hơn mọi chế độ độc tài khác nhiều, và cũng lì lợm, bảo thủ, thù dai, cố giữ quyền lực tới cùng nhất; nếu mỗi người trong chúng ta không cố gắng làm một điều gì đó về phần mình để góp phần thức tỉnh người dân và cả thức tỉnh nhà cầm quyền nữa, để thúc đầy quá trình tự do dân chủ hóa… thì sự thay đổi còn lâu mới đến trên đất nước này.
Bản án và bạo lực cách mạng
Sau khi bản án được công bố, Luật sư Lê Công Định, người từng là tù nhân chính trị bình luận rằng bản án chứng tỏ chế độ cộng sản là hết thuốc chữa, phải đào thải đi như một cái xác chết chứ không còn cách nào khác.
Blogger Trần Minh Nhật cho rằng bản án đó cũng như tất cả những bản án chính trị tại Việt Nam đều là những bản án cười ra nước mắt, chúng là thắng lợi của đảng cộng sản nhưng lại là những thất bại trước mắt của nhân loại.
Nhà báo blogger Đoan Trang nhận thấy một điều là trong phiên xử vụ án này, nhà cầm quyền đã dùng những người kém cỏi, một đặc điểm của chế độ công an trị,
Xử một người như Nguyễn Hữu Vinh, một trí thức, một blogger đi tiên phong trong việc dùng mạng Internet để khai dân trí, mà lại dùng những thẩm phán không sử dụng mạng và không biết đọc từ “wordpress”, không đọc nổi cả từ “gmail”. Điều đó khiến tất cả những lập luận của ông Vinh và các luật sư, dù sắc sảo, dù hùng biện đến đâu, cũng thành vô nghĩa trước những bộ mặt ngớ ngẩn. Bảo mật hai lớp, quyền quản trị, chứng cứ điện tử, dữ liệu điện tử, quyền tự do thông tin, quyền riêng tư trên mạng... tất cả những cái đó có nghĩa là gì vậy?
Dùng kẻ ngu để vô hiệu hóa, tầm thường hóa trí thức - đó là chiến thuật mà chính quyền công an trị vẫn sử dụng suốt nửa thế kỷ nay.
Chế độ công an trị mà Đoan Trang đề cập được những người cộng sản gọi là chuyên chính vô sản, và để thiết lập nền chuyên chính đó, những người cộng sản công khai tuyên bố là họ dùng bạo lực. Bà Đinh Ngọc Thu nhận xét về nền tảng bạo lực này của những người cộng sản:
“Bạo lực cách mạng” có thể giúp Đảng CSVN đạt được một số “thắng lợi” nhưng lịch sử từng cho thấy bạo lực không thể tạo ra phát triển và thịnh vượng. Đó là quy luật. Cứ ngẫm sẽ thấy, không ai có thể chống lại các quy luật.
Trang blog Nghiên cứu lịch sử cũng viết rằng lịch sử của tất cả các chế độ sử dụng bạo lực đều kết thúc một cách bi thảm.
Và sau cùng, sau khi bản án được công bố, giáo sư Trần Hữu Dũng, người thực hiện trang thông tin Việt-Studies, đặt câu hỏi một cách trào lộng rằng trong các vụ án chính trị tại Việt Nam, người ta cần đến luật sư để làm gì!