Lê Luân: HẠNH PHÚC CỦA MỘT DÂN TỘC

 
HẠNH PHÚC CỦA MỘT DÂN TỘC
Luật sư Lê Luân
Luân Lê

Thế giới thay đổi chắc chắn không phải bởi từ những người im lặng, mà thế giới này thay đổi là từ những người biết lên tiếng.

Và thế giới cũng thay đổi từ những tư duy khác biệt, chứ không phải những thứ lặp lại theo một cách nghĩ và hành động như cũ. Giống như ông Einstein đã từng nói, người ta không thể đòi hỏi một kết quả khác mà người ta mãi không chịu thay đổi cách làm trước đó.


Giáo dục của chúng ta, đã định hướng đi theo lối mòn suốt bao nhiêu thập kỷ qua, nhưng thật nực cười là người ta lại cứ đòi hỏi phải có thành quả nào đó thật tốt từ nền giáo dục lạc hậu ấy. Nhưng họ có biết đến ông Lỗ Tấn, người đã có một triết lý vượt thời gian, ngay từ cái thời dân chúng còn mông muội tin bằng một niềm tin điên rồ nhất, ấy là ăn bánh bao tẩm máu người có thể chữa khỏi bệnh lao, rằng, làm gì có đường mà đi, chỉ là người ta đi mãi nó mới thành đường đó chứ.

Nghĩa là người ta cần phải tự mình thay đổi bằng sự thay đổi của nhận thức.

Tự hỏi, suốt bao năm qua, chúng ta đã đi theo con đường nào, bằng phương cách gì và cho điểm đến ra sao? Người ta vẫn còn đang loay hoay định hướng cho những bước chân mò mẫm trong đêm tối, chưa lối nào thoát ra, mà đáng lẽ ánh sáng vẫn lan tỏa trên đầu và ngay trước mắt, nhưng người ta cứ cố làm tâm trí mù quáng bởi thứ tín điều ảo tưởng mà đang dần đổ vỡ một cách nhanh chóng bằng thực tế hiển hiện chứng minh.

Chúng ta đang đứng giữa một trạng thái mà mọi tư duy khác biệt đã bị đè nén, thậm chí sẵn sàng bị triệt tiêu bằng sự nhồi nhét, vùi dập hoặc cố tình chà đạp bằng sự lãng quên.

Giáo dục, không phải để người ta nương nhờ vào đó để tìm cho mình bằng cấp, như là một sự xác nhận trình độ và kết quả của việc học hành trường lớp, và cũng từ đó người ta coi nó là thứ để tạo ra giá trị mang tính lợi ích tương xứng. Nếu có, việc học chỉ được hiểu theo nghĩa rằng, đó là sự tương tác của tư duy và tiếp cận những tri thức từ những người khác để có những nhận thức cần thiết cho một trí não. Chứ nó không phải để người ta bấu víu mà coi đó là những nấc thang phải đạt được hoặc leo đến đỉnh điểm của nó.

Tri thức không có đỉnh cao, càng không bao giờ có giới hạn, hơn thế, tri thức luôn có xu hướng rộng mở, nên nó cũng bao hàm tính tự tụt hậu của chính nó. Vì vậy, người nào mà cứ muốn đi học thì đích thị đó là người chỉ muốn làm trò suốt đời và không bao giờ học thực sự.

Người lao động chăm chỉ nhất, chính là người học nhiều nhất. Đó là lý do mà những người từ chối hoặc bị từ chối bởi trường lớp, bởi những người thày, hay hệ thống giáo dục của họ, đều trở thành những người đóng góp cho thế giới hữu ích nhất và cũng là nhiều nhất. Điều đó giải thích sự thay đổi của thế giới này được tạo nên từ bàn tay của Chúa, người luôn lựa chọn những người chăm chỉ lao động và có tư duy hoàn toàn khác biệt, chứ không phải từ số đông theo lối mòn. Giống như câu nói của nhà vật lý đạt giải Nobel, muốn trở thành thiên tài, thì bạn phải sẵn sàng cho việc biến mình thành kẻ ngu ngốc.

Vì như thế, Galilei mới chống lại Hội đồng giáo xứ khi bước ra khỏi phòng xử, ông vẫn thốt lên rằng "dù gì trái đất vẫn tự quay", chứ không đứng im như người ta bắt nó phải theo bằng niềm tin tôn giáo mù quáng của đám đông. Nhà bác học Edinson, Galois, Bill Gates hay nhiều những nhà khoa học khác có lẽ được lựa chọn vì những sự khác biệt ấy.

Học, không phải mục đích để cấp bằng, vì bằng cấp không phải đích đến, mà bằng cấp chỉ được hiểu là sự thừa nhận những gì đã qua của tri thức. Đã qua tức là tụt hậu. Mà giá trị của giáo dục là cái mới. Giá trị của tri thức là sự thay đổi của bản thân nhận thức.

Đang viết, tôi lại phải phiền lòng nhìn về cuộc sống thực tại đang diễn ra quanh mình. Hai con người, một già, một trung niên, ngồi ngoài đường, hai chai rượu đầy để trước mặt. Họ vừa uống, vừa khoái chí, vừa nói rất nhiều, có thể họ đã rơi vào trạng thái của sự vô thức tự tiếm. Họ đã dần mất kiểm soát, bắt chuyện với bất cứ ai qua đường, hay vô tư nói, cười với nhau những thứ mà người tỉnh táo có lẽ ít người muốn tiếp nhận.

Đây không phải là số đông, nhưng chắc cũng không hẳn ít người như thế, đang có mặt trong xã hội này. Từ trí thức, quan chức, doanh nhân, chính trị gia, người lao động, công nhân, thậm chí cả những người nông dân quanh năm vất vả ruộng đồng theo mùa, vụ.

Rượu, bia, lười biếng và sự im lặng, đã dần ăn mòn dân tộc mình, đã hủy hoại giống nòi và thế hệ tương lai của chúng ta, của đất nước mình. Một cách âm thầm.

Rượu bia, có lẽ hiện tại có khi còn nhiều hơn cả lượng nước ngọt mà dân miền Tây, miền Trung Nam Bộ đang có, cộng với sự cố vỡ ống nước Sông Đà tại Hà Nội mới đây. Dân tôi có khi uống chất có cồn nhiều hơn nước ngọt. Có khi họ khát rượu, bia hơn là thứ nước trong khiết họ phải sử dụng hàng ngày, mà nếu thiếu nó người ta sẽ chết.

Những người không tốt, nhưng có thể không hẳn chắc đã xấu, chỉ là họ đã mất phương hướng, bế tắc hoặc có thể họ chẳng cần bận tâm với những gì xảy ra xung quanh, mà họ chỉ cần thỏa mãn nhu cầu thực tế đời thường của mình, nên họ thỏa mãn mình bằng rượu, bia đối với nhu cầu sinh học, và họ thỏa mãn mình bằng bằng cấp đối với mưu cầu tâm lý, được bắt đầu từ và vì những lợi ích nhỏ mọn.

Đó, có lẽ là hạnh phúc thực tại của những người dân trên đất nước tôi đang sống, trong thời hiện đại này.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »