Hà Nội: SẼ MỜI NHỮNG NGƯỜI CÓ KIẾN NGHỊ LÊN ĐỂ GIẢI ĐÁP

Người tự ứng cử đề nghị cho luật sư dự lấy ý kiến cử tri 

Tuổi trẻ
06/04/2016 15:32 GMT+7

TTO - Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, cho biết như vậy tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với các sở, ngành, quận, huyện về việc chuẩn bị bầu cử. 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết có người
tự ứng cử đề nghị cho luật sư dự hội nghị lấy ý kiến cử tri - Ảnh: Xuân Thành

“Liên quan đến một số người tự ứng cử, hiện nay có người có văn bản kiến nghị mấy nội dung, họ cũng đề nghị cho luật sư vào, tức là đề nghị cho luật sư dự hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú” - ông Vũ Hồng Khanh nói.


Theo ông Khanh, ngày 12-4 là thời hạn cuối cùng phải hoàn tất việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho biết trong số những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, có ứng viên đã gửi văn bản kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Ông Khanh cho biết nội dung đầu tiên được kiến nghị là về thành phần tham gia lấy ý kiến cử tri.

“Về thành phần hội nghị đã được quy định trong luật, cũng đã có hướng dẫn nêu rất rõ. Chúng ta phân ra hai địa bàn dân cư. Nếu địa bàn dân cư nào có dưới 100 cử tri thì sẽ tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải đảm bảo trên 50 cử tri tham gia. Nếu có trên 100 cử tri thì hội nghị mời đại diện, nhưng phải đảm bảo từ 55 cử tri trở lên. Chiếu theo quy định của luật, hướng dẫn của thành phố thì kiến nghị của ứng cử viên này không thể giải quyết được” - ông Khanh nói.

Kiến nghị thứ hai, theo ông Khanh là người tự ứng cử kiến nghị về việc giới thiệu người phát biểu.

“Kiến nghị thứ ba là đề nghị cho luật sư vào dự. Tức là đề nghị cho luật sư dự cùng. Việc này cũng phải theo quy định của luật, thành phần dự hội nghị cử tri là các đoàn thể và những người có giấy mời. Còn nếu ai có nhu cầu về thông tin, ngoài một số cơ quan báo chí được mời, thì thông tin ngắn gọn là cuộc tiếp xúc cử tri này có bao nhiêu ứng cử viên, mỗi ứng cử viên đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm” - ông Khanh cho hay.

Theo ông Khanh, văn bản của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề đối thoại với người phát biểu, tạo điều kiện cho họ trình bày chương trình hành động của họ.

Ông Khanh lý giải đây là bước tiếp theo. “Sau hội nghị hiệp thương lần 3 sẽ có bước tiếp xúc cử tri để họ công bố chương trình hành động của ứng cử viên” - ông Khanh cho hay.

Trước những kiến nghị nêu trên, ông Khanh không nêu cụ thể bao nhiêu người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã kiến nghị như vậy, chỉ cho biết, “những kiến nghị này họ gửi nhiều nơi, nơi cao nhất là Hội đồng bầu cử Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Đặt vấn đề giải đáp những kiến nghị này thế nào, ông Khanh cho biết “chúng tôi cũng đã báo cáo Ủy ban bầu cử thành phố và thống nhất sẽ mời ứng viên có kiến nghị này lên để giải đáp trực tiếp. Thẩm quyền thay đổi luật là của Quốc hội, còn việc kiến nghị là quyền của công dân. Khi luật đang có hiệu lực thì chúng ta thực hiện theo quy định của luật”.

Xuân Long

Ý kiến của bạn đọc báo Tuổi trẻ:

Lê Tri Điền 
16:29 06/04/2016

Tôi ủng hộ. Cử tri đang theo dõi sát sao những diễn biến bất lợi, vô lý mà người tự ứng cử đang đối mặt...

Quốc Tuấn 
16:20 06/04/2016

"Đại biểu trong qui hoạch không trúng cử thì không bố trí được" vậy phải làm gì để chứng tỏ họ xứng đáng được bầu. Đây là bầu cử chứ không phải thủ tục hành chính hóa. Không có anh A sẽ có anh B. Còn làm như thế nào để có đại biểu chất lượng là trách nhiệm của hội đồng bầu cử. Nếu thấy cách làm hiện nay chưa phù hợp dễ bị bỏ sót người tài mà quốc gia đang cần thì phải cải tiến thôi. Nói như ông này là không ổn tí nào.

Võ Luân 
16:52 06/04/2016

Theo tôi không nên hạn chế đại biểu tham dự hội nghị cử tri vì quyền công dân ai cũng như nhau. Ai có nhu cầu tham dự thì đến tham dự, người không có nhu cầu lại có giấy mời người ta không muốn tham gia thì sao, không lẽ bắt buộc họ tới tham gia?

Bản thân tôi sống gần người ứng cử ĐBQH nên cũng muốn tham gia đóng góp và lắng nghe người ứng cử có chương trình hành động thế nào để sau này khi bầu còn biết mà chọn người thay mình vào QH chứ.

Nên cho LS tham dự vì LS biết luật và hiểu rõ nếu ban tổ chức làm sai thì sao? LS sẽ góp ý luôn để khắc phục sự cố này và không để điều đáng tiếc xảy ra, LS còn có thể tham gia khau kiếm phiếu nữa cho khách quan.

Những góp ý của người tự ứng cử nêu lên như vậy là đúng với thời đại hôm nay nên cho phép.
______________

Ý kiến của Ứng cử viên Nguyễn Xuân Diện: 

Chúng tôi gửi Kiến nghị bằng văn bản, đề nghị cũng phải trả lời bằng Văn bản. Chúng tôi hỏi bằng giấy, thì lại trả lời chúng tôi bằng mồm là sao? Chúng tôi hỏi bằng đơn từ, kiến nghị, thì cần trả lời bằng công văn chứ không thể trả lời trên báo chí, nhất là báo mạng.

Mời chúng tôi lên để giải đáp ư? Chúng tôi là công dân, muốn gánh vác việc dân việc nước, chứ chúng tôi không cầu cạnh mà phải lên hầu các quan. Luật sai thì sửa ngay, để kịp cho chúng tôi bước vào Hội nghị.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »