Nguyễn Quang A: CHUYỆN RIÊNG TƯ

Vợ ông Nguyễn Quang A ôm lấy ông khi vừa ra khỏi nơi câu lưu 
tại sân bay Nội Bài đêm 1.9.2015/

CHUYỆN RIÊNG TƯ

Nguyễn Quang A

Mấy dịp bầu cử Quốc hội các khóa trước nhiều trí thức đã thúc tôi, “ông nên ra ứng cử đi”. Tôi nửa đùa nửa thật trả lời, “tôi có một con riêng, e người ta làm ầm lên rằng mình vi phạm luật hôn nhân.”


Một vị bảo, “đó là chuyện riêng tư! Có biết bao người ở hoàn cảnh như cậu. Họ còn làm to, to lắm.” Rồi ông ấy nhắc đến tên của biết bao vị chủ tịch, tổng bí thư, thủ tướng,… mà tôi chẳng nhớ hết (hình như có vị còn có con ở nước ngoài nay mới chín mười tuổi gì đó). Mình bảo, tôi khác họ! Mỗi người có một hoàn cảnh, không nên so sánh. Tôi có một người bạn cùng lứa có 2 đứa con riêng và anh ấy đã là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ gần đây.

Vị khác lại bảo, “trên thế giới thiếu gì các lãnh đạo quốc gia như thế! Nào là ông Mitterand còn đưa bà ấy và con gái vào ở dinh Tổng thống, nào là ông …”. Tôi bảo, tôi sao dám so với các vĩ nhân ấy, vả lại ở nước họ quyền riêng tư được bảo vệ nghiêm ngặt chứ đâu như ở ta!

Chuyện của tôi nhiều người biết. Chả có gì phải giấu diếm. Chính tôi đã đi khai sinh cho cháu theo đúng luật hiện hành lúc đó.

Nói thực, lúc đó cháu còn nhỏ và tôi không muốn nó bị dư luận làm tổn thương. Đấy là lý do chính chứ chẳng phải câu trả lời “nửa đùa nửa thật” lấy lệ kể trên.

Nay cháu đã lớn (25 tuổi) đã học hành xong, đã đi làm, nên tôi không còn ngại như trước nữa.

Tôi mất cha năm 1952, lúc mẹ tôi vừa 30 tuổi, bà đã không đi bước nữa và đã nuôi dạy hai anh em tôi nên người. Tôi không sao bù lại sự mất mát to lớn ấy của bà. Việt Nam có bao nhiêu phụ nữ phải chịu cảnh góa bụa hay cô đơn sau chiến tranh?

Tác giả Phạm Bích San (Xã hội học số 4, 1985) đã phân tích kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số năm 1979 và cho chúng ta biết cơ cấu dân số Việt Nam, theo các nhóm cách nhau 5 tuổi từ 0-4, 5-9, …, 20-24, 25-29, 30-34, 35-39, 40-44,…,95-99 và trên 100 tuổi, (vào 1/10/1979, ngày điều tra dân số), trong bảng 1 của nghiên cứu đó. Có thể thấy vài điều đáng chú ý từ bảng này.

Số nam giới ở các độ tuổi dưới 15 (tức là sinh từ 1965 đến 1979) luôn cao hơn số nữ. Một hiện tượng khá bình thường.

Xem kỹ các nhóm có độ tuổi từ 20 đến 44 và thêm vào các cột Nữ-Nam và Nam/Nữ (%), ta sẽ có bảng sau:

Nhóm tuổi
Nam
Nữ
Nữ-Nam
Nam/Nữ (%)
20-24
2.281.171
2.601.098
319.927
87,70
25-29
1.742.277
1.975.507
233.230
88,19
30-34
1.177.320
1.314.655
137.335
89,55
35-39
166.580
1.104.086
937.506
15,09
40-44
913.279
1.084.754
171.475
84,19
Tổng
6.280.627
8.080.100
1.799.473
77,73

Có thể thấy sự chênh lệch gần 1,8 triệu giữa số nữ và nam ở độ tuổi 20 đến 44 (có thể coi là độ tuổi sinh sản) là quá lớn và đặc biệt sự chênh lệch gần 1 triệu ở nhóm tuổi 35-39 là rất đáng chú ý; tỷ số giới tính Nam/Nữ (%) luôn nhỏ hơn 100 và đặc biệt thấp (15,09) ở độ tuổi 35-39. Những số liệu khô khan này cho thấy hậu những quả kinh khủng của cuộc chiến tranh. Nhìn chung, khoảng 22% phụ nữ ở độ tuổi từ 22 đến 44 hoặc là góa bụa, hoặc là không lấy chồng; và tỷ lệ này có thể còn kinh khủng hơn cho những phụ nữ ở độ tuổi 30-34 (do thường có chồng cùng độ tuổi hay hơn 5-6 tuổi) và 35-39 (góa bụa). Đấy là một hiện tượng xã hội đau lòng và nhức nhối. Cần có cái nhìn nhân bản đối với hiện tượng này và những hệ quả dễ hiểu của nó (nhất là từ bản thân các nhà lãnh đạo phụ nữ và những người bảo vệ nữ quyền).

Nhiều người có thể hỏi: tôi có vi phạm luật hôn nhân và gia đình không? Tôi khẳng định KHÔNG! Theo đúng câu chữ của Luật khi đó (Luật hôn nhân gia đình 1986, tôi không vi phạm điều 4 của luật đó, tôi cũng đã làm đúng điều 30 của luật đó khi khai sinh cho cháu); thậm chí theo cả những quy định của luật mới hay giải thích cụ thể của thông tư thông tư 01/2001/ TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC cũng không. Và quan trọng nhất: tất cả bốn con trai tôi đều được nuôi dạy trong các môi trường đầy yêu thương và đã trở thành những người tử tế. 

N.Q.A

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »