CA SĨ MAI KHÔI CÔNG BỐ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

 Ứng cử viên Đỗ Nguyễn Mai Khôi. Ảnh từ FB của tác giả.
.
Đỗ Nguyễn Mai Khôi:
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

FB Đỗ Nguyễn Mai Khôi
31-3-2016

Tôi là Đỗ Nguyễn Mai Khôi, sinh năm 1983.

Tôi sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là giáo viên, bố dạy nhạc, mẹ dạy Văn. Tôi yêu nghệ thuật và đã đi khắp nơi để hoạt động Văn nghệ phục vụ công chúng trong suốt hơn 15 năm qua. Cũng như mọi người khác, tôi luôn quan tâm đến những vấn đề về xã hội, quan tâm đến cuộc sống của những người xung quanh, quan tâm đến tâm tư tình cảm của họ. Mỗi lần đi hát là dịp để tôi có thể tiếp xúc với rất nhiều người trong Xã hội và càng ngày tôi càng nhận thấy mục đích sống của tôi là mang lại hạnh phúc, niềm vui cho mọi người.


Thời gian gần đây, tôi thấy nhà nước có chính sách khuyến khích ủng hộ người dân tham gia Tự ứng cử ĐBQH, tôi tự thấy rằng nếu tôi được vào Quốc Hội thì tôi sẽ có nhiều cơ hội để làm nhiều người hạnh phúc hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn bằng những kiến thức, kinh nghiệm mà tôi học được, tích cóp được trong những năm qua.

Sau đây là những vấn đề mà tôi biết trong khả năng của tôi, tôi có thể đóng góp để phát triển khi trở thành một ĐBQH:

1/ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ AN SINH XÃ HỘI

Sự phát triển kinh tế phải được bền vững và công bằng. Phát triển kinh tế mà không đi cùng với phát triển xã hội thì lợi ích sẽ chỉ đến được với một thành phần nhỏ trong xã hội (ví dụ như thành phần doanh nghiệp và các nhóm lợi ích). Sau 30 năm phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, vẫn còn cảnh “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng với nhà lầu, xe hơi đắt tiền, chi tiêu hàng ngày bằng cả tháng lương người lao động bình thường. Trong khi đó nhiều người lao động bình thường, người nghèo, người tàn tật, người cao tuổi vẫn ăn bữa sáng lo bữa tối, vẫn gặp khó khăn khi ốm đau cần chăm sóc y tế. Nhiều trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn khi muốn học lên bậc cao. Vì vậy nếu được trở thành Đại Biểu Quốc Hội, tôi sẽ cố gắng góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo cho tất cả mọi người ở mọi vùng miền của đất nước đều được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm tốt, y tế, giáo dục, và sự an toàn.

-Vì lẽ người lao động là thành phần cốt lõi của xã hội, nên tôi sẽ đồng hành sát sao với quyền lợi của người Lao động.

-Tôi sẽ nỗ lực vận động để các cơ quan nhà nước công khai ngân sách một cách chi tiết từ cấp địa phương đến cấp trung ương, giúp người dân tiếp cận thông tin này để góp phần đưa ra ý kiến quyết định ngân sách cho các vấn đề trọng yếu và để nâng cao mức An Sinh Xã Hội. Người nghèo được chữa bệnh hoàn toàn miễn phí bất kể người đó là công nhân viên chức hay lao động tự do. Trẻ em được học miễn phí hoàn toàn đến hết Trung học phổ thông. Xây thêm trường học và các sân chơi, thể dục thể thao cho trẻ em. Người tàn tật được tạo điều kiện thuận lợi để sống hòa nhập với xã hội, người cao tuổi được chăm sóc tốt, phụ nữ được thực sự bình đẳng với nam giới.

2/ CHỐNG BẠO LỰC VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI

Trong bài viết “Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 23/10/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nạn bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình do chồng gây ra. Người nêu rõ “những cử chỉ tàn nhẫn dã man như vậy vừa là phạm pháp luật Nhà nước, vừa trái với tình nghĩa vợ chồng” và kêu gọi cả hệ thống chính trị phải đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới.

Theo nghiên cứu mới nhất của Tổng cục thống kê Việt Nam, cứ 3 phụ nữ đã có chồng thì 1 người từng bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực về tình dục do chồng gây ra. Vì vậy, tôi sẽ quyết tâm đi trên con đường đẩy mạnh phong trào xoá bỏ bạo lực và bất bình đẳng giới, bằng cách:

-Thuyết phục các đại biểu Quốc Hội khác cũng xem đây là một trong những vấn đề cần phải giải quyết cấp bách vì bạo lực gây thiệt hại to lớn đối với sức khỏe và cuộc sống của nạn nhân, đe dọa sự toàn vẹn gia đình, gây tổn hại lớn cho sự phát triển của đất nước trong mọi lĩnh vực. Mọi người dân cần được sống trong an toàn và bình đẳng. Bạo lực cũng không có lợi cho chính người gây ra bạo lực trong gia đình. Tôi sẽ kêu gọi và vận động nam giới hãy cùng tôi phòng chống bạo lực dưới mọi hình thức trong gia đình.
-Xây dựng, thực hiện và theo dõi các chương trình phòng ngừa bạo lực ban đầu, thúc đẩy bình đẳng giới, chẳng hạn như lồng ghép vào các trường học trên toàn quốc một chương trình giảng dạy về các kỹ năng xử lý tình huống, xử lý mâu thuẫn, kỹ năng tự bảo vệ, chấp nhận sự khác biệt, xoá bỏ định kiến giới…đặc biệt quan tâm đến các em gái, người đồng tính và người chuyển giới, những nhóm người yếu thế.. phổ biến các chương trình nâng cao nhận thức người dân, huy động sự tham gia của cộng đồng và lãnh đạo các cấp.

-Lập các Văn phòng tư vấn miễn phí và giải quyết các vấn đề bạo lực tại từng địa phương trên toàn quốc, kết hợp với chính quyền địa phương các cấp để cùng có trách nhiệm tích cực can thiệp, giải quyết và xử lý nghiêm khắc các vấn đề bạo lực trong gia đình. Song song với đó là xoá bỏ các chương trình mang tính hình thức như là Gia Đình Văn Hoá, Khu Phố Văn Hoá để chống chạy theo các tiêu chí thi đua một cách vô lý, lãng phí tiền bạc và thì giờ của nhân dân.

-Cân bằng mức lương của phụ nữ và đàn ông. Theo Tổng cục thống kê thì hiện tại mức lương của phụ nữ chỉ được từ 70% tới 80% so với mức lương của đàn ông.

-Luật hôn nhân cho người đồng tính cần được chấp nhận và luật hoá, vì người đồng tính cũng cần được quyền ngang bằng với người không đồng tính. Đó là nguyên tắc của sự công bằng.

3/ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT

Nước ta có hơn 92 triệu dân và trong đó có rất nhiều người tài giỏi, thế nhưng sự phát triển Văn Hoá Nghệ Thuật của ta còn thua thiệt so với sự phát triển nghệ thuật của các nước lân cận và trên thế giới. Đó là vì hệ thống quản lý Văn Hoá Nghệ Thuật nước ta đang gánh nhiều bất cập. Nghệ thuật cần được nâng đỡ và tự do phát triển. Nghệ thuật mà phát triển thì những cánh cửa mở ra thế giới sẽ rộng hơn để chào đón những cơ hội phát triển khác cho đất nước như là du lịch, kinh tế, công nghệ, quan hệ hoà bình..v..v.. Vì vậy, nếu là ĐBQH tôi sẽ:

-Tiếp cận và tìm cách giải quyết các bất cập trong đường lối quản lý Văn hoá nghệ thuật hiện nay. Yêu cầu sửa đổi những quy định, giấy phép phi lý… đối với các chương trình Văn Hoá Nghệ Thuật và trưng bày triễn lãm..

-Tích cực phát triển các chương trình giải thưởng khuyến khích sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Nghiêm túc xử phạt những trường hợp lợi dụng chức quyền để bắt nạt nghệ sỹ, như là “cấm diễn, cấm phát hành..” mà không đưa ra được lý do hợp lý thuyết phục.

-Kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế, lập ra các quỹ để hỗ trợ những nghệ sỹ độc lập, những dự án nghệ thuật tiềm năng, đặc biệt đối với trẻ em tài năng, những nghệ sỹ thuộc các nhóm xã hội thiệt thòi như người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số, các nghệ nhân dân gian.

-Thay đổi các chương trình đào tạo, giảng dạy nghệ thuật để cập nhật với tinh hoa của các nước trên thế giới. Xoá bỏ các nội dung thiếu thực tế mà thay vào đó là những hoạt động thiết thực kích thích hành động và sáng tạo.

KẾT LUẬN

Xã hội Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề bức thiết cần giải quyết, chẳng hạn như an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, Giáo Dục, Y Tế, Chủ quyền biển đảo..vv..vv.. Và nếu tôi được mọi người ủng hộ để trở thành ĐBQH, tôi, Đỗ Nguyễn Mai Khôi sẽ dùng mọi khả năng và cơ hội của mình để đưa mọi tiếng nói của người dân lên diễn đàn Quốc Hội, lắng nghe và trao đổi với các chuyên gia trong mọi lĩnh vực để cùng nhau đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất tích cực nhất giúp cho Xã Hội Việt Nam phát triển như mong muốn của tất cả người dân: Ai cũng được sống trong sự sung túc, an toàn, công bằng và văn minh.

Đỗ Nguyễn Mai Khôi
____________

.
Lịch Hội nghị cử tri với ứng viên Mai Khôi:

Thời gian: 19h ngày 31/3/2016
Địa điểm: Trụ sở Tổ dân phố Lộc Phúc – P Cam Lộc, Tp Cam Ranh, Khánh Hòa.

Cập nhật 21:08
Có 68 phiếu bầu, 28 tín nhiệm, 32 không, 8 trắng. 



Share this

Related Posts

Previous
Next Post »