ĐÂU LÀ DẤU ẤN CỦA ÔNG NGUYỄN SINH HÙNG?


Đâu là dấu ấn của ông Sinh Hùng? 

BBC tiếng Việt
30 tháng 3 2016 

 
Một số nhà quan sát thời sự và chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC những đánh giá, nhận định về dấu ấn cá nhân và những điểm ưu khuyết của ông Nguyễn Sinh Hùng trong ngày Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội.

Từ Sài Gòn, blogger Nguyễn An Dân cho rằng nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp của Việt Nam đã 'đóng tròn vai' tuy Quốc hội mà ông là người lãnh đạo chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và người dân, ông nói với BBC hôm 30/3/2016:

"Về ông Nguyễn Sinh Hùng thì cũng là một người đóng tròn vai trong vai trò Chủ tịch Quốc hội đối với yêu cầu mà Đảng (Cộng sản Việt Nam) giao cho ông, thế thôi. Nhưng mà đương nhiên về mặt quần chúng, thì rõ ràng trong thời gian vừa qua, trong nhiệm kỳ của ông Hùng, thì hoạt động của Quốc hội chưa đáp ứng được kỳ vọng của quần chúng.

"Về ưu điểm, nhiều người nói đã nhiều, nhưng về khuyết điểm thì chắc có nhiều chú ý... Trong thời gian vừa qua, ông Hùng có một động thái được đánh giá là không hay.


"Đó là ông Hùng đi thăm Trung Quốc khi mà cuộc bầu bán ở Đại hội 12 nó đang căng thẳng, cũng như là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lúc đó, vào thời điểm đó, rất căng thẳng về vấn đề Biển Đông.

"Thì ông Hùng có một động thái đi thăm Trung Quốc trong môt tình huống nhạy cảm như vậy làm cho dư luận người ta có nhiều ý kiến bàn cãi khác nhau."

Về mặt ưu điểm của vị Chủ tịch Quốc hội từ nhiệm sớm, blogger Nguyễn An Dân nói:

"Tuy nhiên dưới thời ông Hùng, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng được nhiều tiếng nói cởi mở hơn, ví dụ ông Đại biểu Lê Như Tiến, rồi vừa rồi Đại biểu Võ Thị Nhung... thì đó là một nét son. Dưới thời ông Nguyễn Sinh Hùng, có nhiều tiếng nói thực chất hơn và những vấn đề thực chất hơn.

"Nhưng còn một thiếu sót là ông Hùng vẫn chưa kêu gọi Quốc hội ra một Nghị quyết hay là một quyết định quan trọng và một thông điệp ngoại giao của Việt Nam về vấn đề Biển Đông," blogger, nhà phân tích thời sự Việt Nam nói với BBC. 

'Khó tìm dấu ấn'



Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật Việt Nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao đưa ra bình luận cho rằng khó tìm thấy dấu ấn tích cực ở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi mà về mặt thực chất Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa 13 còn có nhiều điểm 'chưa hài lòng', tuy Quốc hội cũng đã xây dựng được một số luật.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển của Việt Nam (thuộc Vusta) nói:

"Có lẽ dấu ấn lớn nhất theo nghĩa gọi là tích cực thì tôi sợ là khó tìm. Nhìn lại khóa vừa rồi của Quốc hội, thì có thể nói là, nói một cách tích cực Quốc hội cũng đã xây dựng được một số luật. Đó là công việc lập pháp của Quốc hội, tuy nhiên đó là thuộc trách nhiệm Quốc hội. 

"Tuy nhiên, nếu nhìn góc độ chất lượng Quốc hội, cũng như nội dung hoạt động của Quốc hội, với tư cách cử tri, tôi phải nói rất là chưa hài lòng. Thứ nhất, trong câu chuyện bảo vệ chủ quyền Biển đảo của Việt Nam, Quốc hội đã không ra được một Nghị quyết nào cả, mà trong đó, chắc chắn trách nhiệm thuộc về người đứng đầu Quốc hội là ông Chủ tịch Quốc hội.

"Quốc hội là người đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân, vậy mà nhân dân rất là mong đợi ra được một Nghị quyết liên quan đến Biển Đông, lên án hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhưng mà Quốc hội đã không làm được việc đó. Đấy là một sự thất vọng rất lớn đối với cử tri.

"Việc thứ hai tôi thấy rằng là Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp, nhưng chất lượng làm luật tôi thấy rất là yếu kém. Có nhiều dự án luật được thông qua nhưng không khả thi, mà thậm chí là còn gây ra những thiệt thòi cho người lao động, thí dụ như dự án về Luật Bảo hiểm Xã hội, hoặc là nhiều luật được thông qua, nhưng mà sau đó lại phải sửa đổi.

"Đây là trách nhiệm thuộc về Quốc hội, mặc dù ở Việt Nam, làm luật do Chính phủ trình ra, nhưng Quốc hội là người thẩm tra, là người xem xét các dự án luật và biểu quyết thông qua. Nên chất lượng các đạo luật ở Việt Nam, người chịu trách nhiệm, cơ quan phải chịu trách nhiệm đầu tiên, đó là Quốc hội, thế và luật làm không tốt, thì Quốc hội phải chịu trách nhiệm", Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói với BBC. 

Phát biểu cảm tính



Mới đây, trên truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng, trong lúc đương nhiệm cả hai chức Chủ tịch Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia, được trích thuật nói rằng ông đã suy nghĩ và chuẩn bị về người kế nhiệm cho mình, trong lúc kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam còn chưa diễn ra trước cuối tháng Năm.

Bình luận về điều này, nhà nghiên cứu chính sách luật Hoàng Ngọc Giao nói tiếp:

"Theo tôi Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhiều lúc phát biểu những câu nói ở nghị trường mà được báo chí công bố công khai, nhiều câu phát biểu của Chủ tịch, cá nhân tôi, tôi nhận thấy rằng nó chứa thể hiện ông là một nhà chính khách, phát biểu theo kiểu cảm tính, và nhiều lúc những phát biểu của Chủ tịch trong dư luận người ta cảm thấy là không ổn cả về mặt thực tiễn cũng như lý luận...


"Thứ hai, khi phát biểu chuẩn bị người kế nhiệm, thì theo tôi cũng là một phát biểu tương tự như những phát biểu trong thời gian vừa qua, là nó cảm tính quá. Nó không đúng với lại một thực tế là Quốc hội là do dân bầu ra, chứ tại sao một người lại đi chuẩn bị người kế nhiệm là thế nào?

"Đây không phải gọi là cơ quan hành chính để mà thay thế người kế nhiệm, đây là cơ quan dân cử, cho nên Chủ tịch Quốc hội cũng như một Đại biểu Quốc hội thông thường, là có quyền bình đẳng như nhau, và người dân người ta lựa chọn ai vào Quốc hội, cũng như Quốc hội bầu ra ai, hay là (bầu) Chủ tịch Quốc hội đó, là quyền của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, chứ không thể nào theo hướng là ông ấy chuẩn bị người kế nhiệm.

"Theo tôi câu nói này không phải là của một chính trị gia, lại càng không thể là một Nghị sỹ Quốc hội, mà phát biểu như vậy nói thật là không phản ánh đúng với thực tế, nó không phản ánh đúng với lý thuyết của Quốc hội.

"Cũng có lẽ vì trên thực tế với cách bầu cử của Việt Nam hiện nay, thì ông Sinh Hùng nói câu đó là bộc lộ cái thực tế hiện nay, và cũng có thể ông thể hiện là ông rất thật thà. Thế nhưng nếu đúng dưới góc độ bản chất của Quốc hội, cũng như các Đại biểu Quốc hội, thì phát biểu câu đó, theo tôi, là một phát biểu không đúng với tư cách của một chính khách, nghị sỹ Quốc hội.

"Phát biểu như vậy nó dễ gây phản cảm trong nhân dân vì cảm thấy là cần gì phải bầu nữa?" PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm. 

Nhiệm kỳ sôi động 


Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, bình luận về dấu ấn của Quốc hội Khóa 13 và việc thay đổi Chủ tịch Quốc hội khóa này, ông nói:

"Đây là một nhiệm kỳ khá là sôi động và có nhiều biến động của nhiệm kỳ khóa 13 này. Trước hết phải nói Quốc hội lần này càng gần về cuối thì càng hết sức sôi nổi, đặc biệt trong mấy ngày vừa qua đánh giá, kiểm điểm nhiệm kỳ của Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội cũng như là của Thủ tướng Chính phủ rất là sôi nổi.

"Thậm chí là nói thẳng và nói rất mạnh mẽ. Buổi sáng hôm nay (30/3), Quốc hội cũng bàn tới việc thay đổi nhân sự, trước hết là Chủ tịch Quốc hội khóa 13 này thôi và thôi cả chức danh Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia, sau đó sẽ làm tiếp về nhân sự trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13.

"Quốc hội khóa 13 này, thời gian đầu có vẻ như là không được sôi nổi lắm, tuy nhiên bắt đầu người ta thấy cũng có những ý kiến khác nhau, thậm chí có vẻ như là tranh luận rất sôi nổi, và càng gần về đến cuối thì càng sôi nổi.


"Như thế cũng thể hiện rằng trước kia người ta đều cho rằng Quốc hội là 'nghị gật' thôi, nhưng gần đây người ta cho rằng gần cuối nhiệm kỳ này, đặc biệt khóa họp sau Đại hội Đảng 12 này, những phát biểu của Đại biểu Quốc hội có vẻ thẳng thắn hơn, tranh luận sôi nổi.

"Thậm chí nói thẳng nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm như là về tham nhũng, rồi đặc biệt là công tác cán bộ, mà nếu như công tác cán bộ như thế này, rồi kiểu chạy quyền, chạy chức, cũng như các hiện tượng khác mà nó còn diễn ra như thế này, thì người ta thấy nguy cơ cho đất nước này.

"Cho nên việc thay đổi Chủ tịch Quốc hội khóa này trước hết là đã có dự kiến của Đảng rồi, cho nên sẽ có một người mới thay Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng trong nay mai thôi, người ta cũng hy vọng có thể là sự kế tiếp này sẽ thể hiện rõ hơn vai trò của Quốc hội trong khóa tới, cái đó là những kỳ vọng.

"Hơn nữa, khi thay đổi này để chuẩn bị cho Quốc hội khóa sau, khóa 14, thì hiện nay đương có một phong trào những ứng cử viên độc lập ra ứng cử ở Quốc hội khóa này, cũng đang là một hiện tượng có vẻ mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ trước, khóa trước của Quốc hội," PGS. TS Phạm Quý Thọ nói với BBC từ Học Viện Chính sách và Phát triển của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.

Theo dự kiến, cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2016 tới đây.


Share this

Related Posts

Previous
Next Post »